Sáng nay (28/3), Trung tâm nghiên cứu liên ngành các khoa học xã hội, trường ĐH Khoa học khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức Tọa đàm “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng”.

Thời gian qua Khoa tâm lý học cũng như trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có đầu tư và nghiên cứu để thử nghiệm về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng nhất là trong bối cảnh hiện nay sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần cộng đồng phát sinh. Tại buổi tọa đàm các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý đã chia sẻ những vấn đề đáng báo động của tình trạng sức khỏe tâm thần và nhiều hoạt động mà trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm ở một số đơn vị cũng như hỗ trợ một số doanh nghiệp thăm, khám, tư vấn điều trị sức khỏe tâm thần cho cán bộ, nhân viên.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu liên ngành các KHXH trình bày báo cáo hoạt động của Trung tâm

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu liên ngành các KHXH trình bày báo cáo hoạt động của Trung tâm

Để làm tốt công tác nghiên cứu, giảng dạy, đổi mới chương trình đào tạo lĩnh vực tâm lý học, tham góp xây dựng chính sách cho ngành giáo dục, y tế, Lao động thương binh xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng trường đã và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Hoạt động của nhà trường không chỉ khuôn hẹp trong hoạt động chuyên môn thuần túy, về giảng dạy, nghiên cứu hàn lâm mà tất cả kết quả đó cần phải được triển khai, ứng dụng và phục vụ cho cộng đồng. Chúng tôi có thử nghiệm 1 năm đầu tiên là năm 2022 và triển khai tại các địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình và một số điểm ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung, Đà Nẵng, có thể nói hiệu ứng xã hội rất tốt. Và 1 trong những hiệu ứng xã hội tốt chúng ta thấy là Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội rất quan tâm bởi vì đây cũng là 1 trong những trọng điểm mà Bộ đang theo đuổi. Tất nhiên nó mang tính liên thông với Bộ GD-ĐT nữa vì đối tượng thụ hưởng ở đây là học sinh. Chính vì vậy buổi tọa đàm hôm nay là để nhìn lại, đánh giá rút kinh nghiệm và quan trọng là mở ra những hướng mới. Và có lẽ quan trọng là 1 trong những trụ cột mà chúng tôi dự định hướng tới là về tư vấn sức khỏe nói chung cho người lao động và người dân".

GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm

GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm

TS Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã có bài phát biểu chỉ đạo, gợi ý cho nhà trường, cho Trung tâm những hướng nghiên cứu về lĩnh vực chuyên môn chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng sao cho sát với tình hình thực tế, nhanh chóng xây dựng bộ sàng lọc chuẩn, đủ điều kiện áp vào hệ thống trường học, tới từng cấp học …Đồng thời lấy ý kiến chuyên gia góp ý triển khai các hoạt động chăm sóc tâm lý học lâm sàng, công tác xã hội lâm sàng, chạy thử bộ sàng lọc. Thông qua việc triển khai các hoạt động thực tiễn để đổi mới chương trình đào tạo, chạy thử những chương trình đào tạo của nước ngoài, đưa những môn học chuyên sâu vào ngành công tác xã hội, tâm lý học từ đó làm cơ sở đề xuất, kiến nghị bộ GD -ĐT làm sao khắc phục được tình trạng sinh viên tốt nghiệp còn yếu năng lực thực hành. Muốn làm được điều này đòi hỏi các thầy cô phải kiên định có mục tiêu rõ ràng, huy động, quy tụ các tổ chức, cá nhân đồng hành với mục tiêu chiến lược của mình.

TS Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu chỉ đạo

TS Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu chỉ đạo

 

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm